Những dự án xây dựng cầu tại huyện Nhà Bè (TP.HCM) mang ý nghĩa chiến lược, hiện thực hóa định hướng phát triển không gian; tăng cường việc giao thương, vận chuyển hàng hóa, kết nối liên vùng cho địa phương. Trên địa bàn huyện Nhà Bè hiện có Khu công nghiệp Hiệp Phước với 3 cảng nội khu: cảng Tân Cảng, cảng SPCT và cảng Sài Gòn - Hiệp Phước. Cùng với đó, cao tốc Bến Lức - Long Thành đang được thi công. Trong tương lai, chắc hẳn huyện Nhà Bè sẽ cất cánh.
Trước đây, tồn tại trên đường Lê Văn Lương - tuyến đường quan trọng nối liền huyện Nhà Bè và tỉnh Long An là 4 cây cầu sắt Rạch Đỉa, Long Kiểng, Rạch Tôm và Rạch Dơi được xây dựng trước năm 1975 . Những cây cầu này đã xuống cấp nghiêm trọng. Theo thời gian, cầu Long Kiểng đã được thay mới, cầu Rạch Đỉa đang trên đà về đích còn cầu Rạch Dơi và Rạch Tôm đã lên kế hoạch triển khai. Công trường dự án cầu Rạch Đỉa, nối huyện Nhà Bè và quận 7 những ngày này thi công rất nhộn nhịp. Hàng chục công nhân, kỹ sư, máy móc tập kết hai bên đầu cầu, đang đồng loạt thi công những hạng mục cuối cùng của dự án.
Tương tự, cầu Phước Long, nối huyện Nhà Bè và quận 7 cũng đang trên đà về đích, nhiều hạng mục thi công tích cực và sẽ hoàn thành đưa công trình vào khai thác sử dụng trong năm 2024. Riêng dự án xây mới cầu Rạch Tôm hiện đang triển khai thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; còn dự án xây mới cầu Rạch Dơi đang điều chỉnh vị trí, phương án tuyến và đã được đề xuất cập nhật vào quy hoạch chung TP để kết nối với tỉnh Long An.
Cầu Phước Long sẽ về đích trong năm nay
Riêng dự án xây mới cầu Rạch Tôm hiện đang triển khai thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; còn dự án xây mới cầu Rạch Dơi đang điều chỉnh vị trí, phương án tuyến và đã được đề xuất cập nhật vào quy hoạch chung TP để kết nối với tỉnh Long An. Theo đó, vị trí cầu Rạch Dơi mới vượt sông Rạch Dơi cách tim cầu cũ khoảng 750m về phía Nam, đi song song về phía trái đường điện 500kV hiện hữu. Sau khi vượt sông, tuyến rẽ trái kết nối với đường tỉnh 826C hiện trạng (Hương lộ 34 cũ). Phương án tuyến này sẽ giảm khối lượng giải phóng mặt bằng cả phía Nhà Bè và Cần Giuộc, có nhiều ưu điểm về giảm thiểu ảnh hưởng xã hội, tối ưu về mặt kỹ thuật và đảm bảo tính khả thi của dự án.
Như vậy, có thể nói là 4 cây cầu cũ trên trục đường Lê Văn Lương đều đã có phương án thay thế mới, phục vụ người dân tốt hơn. Đại diện UBND huyện Nhà Bè cho biết trong những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, TP cùng với nỗ lực, phấn đấu của địa phương, huyện đã hoàn thành nhiều công trình giao thông trọng điểm, tạo được sự liên kết, đồng bộ và thông suốt. Kết quả cho thấy, từ một huyện chỉ có gần 5km đường giao thông (đường Huỳnh Tấn Phát), đến nay huyện đã có một hệ thống giao thông đối nội và đối ngoại khá hoàn chỉnh.
Đơn cử như trục Bắc Nam đã được đầu tư xây dựng và tiếp tục đầu tư nâng cấp các tuyến đường như Nguyễn Văn Tạo, Lê Văn Lương, Huỳnh Tấn Phát. Tuyến đường huyết mạch Nguyễn Hữu Thọ nối từ quận 7 đến khu Công nghiệp Hiệp Phước đang được tiếp tục kêu gọi đầu tư. Trục Đông đã đầu tư xây dựng và tiếp tục đầu tư nâng cấp các tuyến đường Nguyễn Bình, Phạm Hữu Lầu. Đường Cao tốc Bến Lức – Long Thành đi qua địa bàn xã Long Thới và xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè đã cơ bản hoàn thành, sẽ kết nối Nhà Bè với miền Đông và miền Tây Nam bộ. Về đối nội, hệ thống đường giao thông nội đồng, đường giao thông liên xã, liên ấp được tập trung đầu tư, phát triển. Đơn cử như đường Ngô Quang Thắm, đường giao thông nội đồng tuyến 1, 2, 3, 4 xã Long Thới, tuyến 6 xã Nhơn Đức, đường liên ấp 2-3, 3-4 xã Hiệp Phước. Những kết quả đạt được trong đầu tư, phát triển hạ tầng trên địa bàn huyện đã tạo nền tảng vững chắc để huyện tiếp tục phát triển theo hướng xây dựng Nhà Bè từ huyện thành quận.
Nguồn: www.plo.vn