Làn sóng bất động sản công nghiệp mới mạnh nhất 25 năm

Ngày đăng: 02/11/2020 02:33:00

Việt Nam đón làn sóng bất động sản công nghiệp (BĐSCN) đầu tiên năm 1996, làn sóng thứ hai năm 2008 và 2020 là chu kỳ mới mạnh mẽ nhất 25 năm. Tại diễn đàn BĐSCN - Đón sóng đầu tư mới gần đây, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, có 3 làn sóng đầu tư BĐSCN trải dài 25 năm qua và mỗi đợt sóng tiếp theo càng mạnh mẽ hơn. Theo ông, làn sóng đầu tiên diễn ra năm 1996. Đến năm 2008, Việt Nam một lần nữa đón làn sóng thứ hai đầu tư vào các khu công nghiệp khá mạnh mẽ. Thế nhưng, năm 2020 lại là giai đoạn đặc biệt nhất khi đây là làn sóng mới, đồ thị tăng trưởng liên tục đi lên.

DJI 0046
Làn sóng bất động sản công nghiệp mới mạnh nhất 25 năm
Ông Hoàng phân tích, trên thực tế, làn sóng đầu tư BĐSCN mới (làn sóng thứ ba) đã manh nha từ khoảng 6 năm trở lại đây và bùng mạnh vào năm 2020. Điều này cho thấy không đợi đến xung đột Mỹ - Trung mà từ trước đó, các doanh nghiệp đã có sự cân nhắc chuyển dịch. Đến khi có sự tác động của Covid-19 càng thúc đẩy nhu cầu dịch chuyển sản xuất mạnh mẽ ở chu kỳ mới này.
Đặc điểm của làn sóng đầu tư BĐSCN mới bắt nguồn từ sự dịch chuyển sản xuất. Quá trình này không quá phụ thuộc vào một đối tác nào. Trên hết, mục tiêu của khách thuê muốn đa dạng hóa thị trường, đa dạng chuỗi cung ứng. "Qua trao đổi với những đối tác nước ngoài, chúng tôi nhận thấy Việt Nam đang được quan tâm rất lớn. Do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều nhà đầu tư rất muốn sang Việt Nam nhưng chưa thực hiện được", ông Hoàng nói.
Nhận định về làn sóng đầu tư BĐSCN mới, ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đại dịch Covid-19 trở nên khó đoán, một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam lại trở thành điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chính dòng vốn đầu tư chảy mạnh từ các nền kinh tế châu Á, Mỹ và trong nội khối ASEAN được cho là nguyên nhân của hiện tượng tích cực này. Cụ thể, các doanh nghiệp hàng đầu từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều xem Việt Nam là một điểm đến ưu tiên. Theo ông Thống, việc dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục coi Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn bắt nguồn từ chiến lược hành động hiệu quả của cả Chính phủ và người dân trong việc vừa kiểm soát tốt dịch, vừa thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, chặn đà suy giảm kinh tế.
DJI 0062
Thời điểm chuyển mình của bất động sản công nghiệp Việt Nam đã đến
Bên cạnh đó, chính trị ổn định, nguồn nhân lực dồi dào, thị trường tiềm năng, chi phí cạnh tranh, vị trí địa lý thuận lợi và nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu rộng là điểm cộng để phát triển BĐSCN cho Việt Nam. Hiệp định thương mại tự do được Chính phủ ký kết trong năm 2020 và có hiệu lực gần đây nhất là Hiệp định EVFTA – cũng góp phần làm nên tính hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm, trong thời gian tới, cơ sở hạ tầng tiếp tục được nâng cấp, tạo lực đỡ giúp các khu công nghiệp đủ điều kiện đón các "chú chim đại bàng" lớn (nhà sản xuất lớn). Trong tương lai, có thể sẽ thực hiện thí điểm một số cụm liên kết ngành nhằm hình thành mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu tại một số địa phương.
Bàn về các xu hướng đầu tư BĐSCN trong làn sóng mới, ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và BĐSCN CBRE Việt Nam chỉ ra 3 xu hướng sẽ xuất hiện từ năm 2020 trở đi. Xu hướng đầu tiên là mở rộng sản xuất của các khách thuê hiện hữu thông qua việc tìm kiếm nguồn cung đất mở rộng tại các khu vực mới nổi. Xu hướng thứ hai là chủ đầu tư và nhà phát triển nước ngoài trong lĩnh vực kho vận mới sẽ gia nhập thị trường Việt Nam. Nhu cầu phần lớn được dẫn dắt bởi thương mại điện tử. Xu hướng thứ 3 là chủ đầu tư và nhà phát triển sẽ tích cực thu mua các dự án BĐSCN hiện hữu. "Những dự án này nằm trong các khu công nghiệp đã được quy hoạch sẽ là những mục tiêu được tìm kiếm nhiều trong thời gian tới", đại diện CBRE Việt Nam chia sẻ.
Untitled
Đoạn cao tốc Bến Lức Long Thành đang xậy dựng tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, Huyện Nhà Bè
Theo ông Hiếu, thời gian qua, Chính phủ và chính quyền địa phương đã gia tăng đẩu tư cơ sở hạ tầng, đây chính là một trong những cú huých thúc đẩy nguồn cầu BĐSCN. Cụ thể, hiện nay đang có 3 đường cao tốc mới được khởi công là Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Ngoài ra, cũng đã thông xe và không ngừng đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường như Hà Nội - Hải Phòng, Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn, Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận, hệ thống cảng biển cũng được chú trọng đầu tư mở rộng...“Một trong những yếu tố hạ tầng thúc đẩy nguồn cầu lớn chính là thông tin liên quan đến sân bay Quốc tế Long Thành sắp được khởi công”, ông Hiếu nói và cho rằng, để tăng khả năng khai thác đường hàng không, đường băng của sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Nội Bài cũng không ngừng được nâng cấp.
Nguồn: vnexpress.net
Khu công nghiệp Hiệp Phước, Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh với tổng diện tích 1.686 ha
      - Sở hữu vị trí chiến lược, là khu công nghiệp lớn nhất Thành phố Hồ Chí Minh.
      - Hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn thiện: điện, nước, xử lý nước thải, viễn thông, mạng lưới khí công nghiệp,...
     - Hệ thống cảng biển Quốc tế nội khu giúp tiết kiệm tối đa thời gian và chi phí vận chuyển. Hải quan tại chỗ giúp thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa dễ dàng, thuận tiện.
      - Hỗ trợ hoàn tất thủ tục pháp lý ban đầu nhanh chóng, miễn phí.
Hơn 20 năm qua, 200 nhà đầu tư trong và ngoài nước đã tin tưởng lựa chọn Khu công nghiệp Hiệp Phước làm đối tác phát triển bền vững. Chúng tôi cam kết sẽ không ngừng hoàn thiện và đổi mới để mang lại giá trị lợi ích cao nhất cho mỗi nhà đầu tư khi đến với Khu công nghiệp Hiệp Phước.