Bức tranh toàn cảnh về Hiệp định thương mại EVFTA
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang nổi lên là một trong những quốc gia thành công trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, là một trong số ít các quốc gia đang mở cửa trở lại nền kinh tế, Việt Nam cũng trở thành hình mẫu cho những quốc gia khác noi theo. Tuy nhiên, trong tương lai, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc vào thương mại tự do, công bằng và dựa trên những quy tắc (đặc biệt là xuất khẩu) với các thị trường quan trọng trên thế giới, điển hình như Liên minh châu Âu (EU).
“Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư cạnh tranh, hấp dẫn và thân thiện với các doanh nghiệp châu Âu. Trên hết, với các thế mạnh sẵn có của Việt Nam cùng Hiệp định EVFTA, chắc chắn thương mại và đầu tư giữa Việt Nam - EU sẽ phát triển trở lại ngay khi Hiệp định có hiệu lực”. (Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier)
Vươn lên trong thách thức
Theo ông Nicolas Audier, đối với doanh nghiệp châu Âu, Việt Nam là một quốc gia phát triển nhanh với thu nhập khả dụng tăng cao, tầng lớp tiêu dùng trung lưu lớn và đang phát triển. Vì vậy, quốc gia Đông Nam Á này là điểm đến lý tưởng để các doanh nghiệp châu Âu khai thác nhu cầu của người tiêu dùng đối với hàng hóa chất lượng cao và dịch vụ sáng tạo. Ví dụ, việc giảm thuế đối với các sản phẩm châu Âu như ô tô, dược phẩm, rượu vang và rượu mạnh sẽ giúp cho hàng hóa của EU cạnh tranh hơn trên thị trường.
Bên cạnh thương mại hàng hóa, EVFTA cũng mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp EU trong ngành dịch vụ. Việt Nam đã sẵn sàng mở cửa cho những lĩnh vực như giáo dục đại học, dịch vụ tài chính, viễn thông và các doanh nghiệp châu Âu cũng sẵn sàng “mạnh tay” đầu tư vào những lĩnh vực này.
Chủ tịch Nicolas Audier cho hay, EVFTA không chỉ dừng lại ở việc kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. EU và Việt Nam cũng đã đàm phán Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA), Hiệp định này sẽ giúp các nhà đầu tư châu Âu tự tin hơn khi đầu tư tại Việt Nam. EVIPA sẽ mất nhiều thời gian hơn để có hiệu lực bởi Hiệp định này cũng yêu cầu phê chuẩn ở từng quốc gia thành viên EU, song, EVIPA cũng là cơ hội lớn dành cho doanh nghiệp châu Âu.
Do đó, không thể phủ nhận rằng, EVFTA mang đến những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Hơn 70% thuế quan đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được loại bỏ ngay khi EVFTA có hiệu lực và nâng lên 99% thuế quan trong vòng bảy năm tiếp theo. Các sản phẩm của Việt Nam như hải sản, nông sản, dệt may, giày dép, đồ nội thất và đồ da sẽ trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường EU. Hiệp định này sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cho EU và đóng góp một phần không nhỏ vào tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, song hành với cơ hội cũng là những thách thức. Để tận dụng tối đa lợi ích từ EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam phải đảm bảo thực hiện suôn sẻ và thành công thỏa thuận lịch sử này. Điều này đòi hỏi tất cả những đối tượng liên quan đến EVFTA như Chính phủ, chính quyền địa phương, cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế, phải hợp tác để nâng cao nhận thức về EVFTA và các điều khoản của Hiệp định.
“Thách thức tiếp theo dành cho doanh nghiệp bao gồm cải cách khung pháp lý của Việt Nam để phù hợp với các quy định của EVFTA, đảm bảo hàng hóa Việt Nam có thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cao của thị trường châu Âu. Song, bất kể nhiều thử thách đang chờ ở phía trước, tôi tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ vươn lên bởi quốc gia này đã từng vượt qua rất nhiều khó khăn trong quá khứ” Chủ tịch EuroCham khẳng định.
EVFTA và cơ hội cho ngành logistics
Hoạt động logistics nhộn nhịp tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, Huyện Nhà Bè
Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), EVFTA thực thi có cơ hội gia tăng quy mô thị trường xuất nhập khẩu, kéo theo nhu cầu lớn đối với hoạt động logistics. Báo cáo của cơ quan chức năng cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi Liên minh châu Âu (EU) sẽ tăng khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030. Ở chiều ngược lại, dự kiến, tăng trưởng nhập khẩu từ EU vào Việt Nam sau EVFTA cũng sẽ gia tăng nhanh chóng ngay khi hiệp định có hiệu lực. Hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai bên càng nhộn nhịp, thị trường dịch vụ logistics càng mở rộng, đặc biệt là dịch vụ logistics quốc tế.
Bên cạnh đó, cam kết loại bỏ thuế quan của Việt Nam cho phương tiện vận tải, các loại máy móc, thiết bị công nghệ phục vụ hoạt động logistics từ EU là cơ hội để doanh nghiệp (DN) logistics trong nước có thể mua những sản phẩm phục vụ sản xuất với giá hợp lý, tiết kiệm chi phí sản xuất, cải thiện năng lực công nghệ, tăng cường năng lực tự thực hiện, giảm các dịch vụ thuê ngoài. Cơ hội thu hút đầu tư từ EU, tận dụng kinh nghiệm, kỹ năng quản trị, nguồn vốn, mạng lưới sẵn có của đối tác khi liên doanh với EU. Cơ hội tiếp cận thị trường dịch vụ logistics các nước thành viên EU khi EU mở cửa nhiều dịch vụ nhóm logistics cho nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam.
Nguồn: congthuong.vn