Gần 20 km đoạn phía Tây của cao tốc Bến Lức - Long Thành đã hoàn thiện, dự kiến thông xe vào dịp 30/4, rút ngắn thời gian di chuyển từ cửa ngõ phía Tây đến khu Nam và trung tâm TP.HCM. Các phương tiện có thể đi liền một mạch hơn 22 km từ nút giao Mỹ Yên (Long An) đến nút giao Nguyễn Văn Tạo để vào Khu công nghiệp - cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP.HCM) bằng cao tốc, thay vì phải đi vòng qua trục Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ.
Khu nam TP.HCM được định hướng phát triển rất mạnh, góp phần đưa TP.HCM tiến về biển Cần Giờ, tạo động lực đột phá kinh tế TP.HCM. Với định hướng đưa TP.HCM tiến biển từ hướng Cần Giờ, cửa ngõ phía nam đang là một trong những cực hút trọng điểm được TP.HCM dồn lực đầu tư. Đoạn phía Tây cao tốc Bến Lức - Long Thành khi đưa vào khai thác sẽ giúp giảm áp lực giao thông trên Quốc lộ 1 và các tuyến đường huyết mạch khu Nam TP.HCM. Bên cạnh đó, đoạn phía đông dài 14,1 km (từ Km35+900 đến Km50+530) qua địa phận tỉnh Đồng Nai cũng dự kiến hoàn thành thi công trước ngày 30/4. Sau khi 3,4 km cao tốc Bến Lức - Long Thành (từ nút giao Mỹ Yên, Long An đến Lê Khả Phiêu, Bình Chánh) được thông xe, thêm 18,8 km tiếp theo từ Lê Khả Phiêu đến Nguyễn Văn Tạo (huyện Nhà Bè) dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác dịp 30/4. Khi đoạn 18,8 km này thông xe, các phương tiện có thể đi liền một mạch hơn 22 km từ nút giao Mỹ Yên (Long An) đến nút giao Nguyễn Văn Tạo để vào Khu công nghiệp - cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP.HCM) bằng cao tốc, thay vì phải đi vòng qua trục Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ. Trong ảnh là nút giao với đường Lê Khả Phiêu, điểm đầu của đoạn 18,8 km cao tốc Bến Lức - Long Thành.

20 km cao tốc Bến Lức - Long Thành sắp thông xe
Tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 58 km, có 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100 km/h, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 31.320 tỷ đồng, nối huyện Bến Lức, Long An với huyện Long Thành, Đồng Nai. Khi hoàn thành, cao tốc sẽ kết nối giao thông giữa các tỉnh Tây và Đông Nam Bộ không phải qua trung tâm TP.HCM, rút ngắn thời gian lưu thông, vận chuyển hàng hóa, từ đó khai thác những thế mạnh kinh tế, thu hút đầu tư, du lịch của các tỉnh Đồng Nai, Long An và TP.HCM. Điểm bắt đầu của cao tốc Bến Lức - Long Thành là từ xã Mỹ Yên thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Sau đó tuyến đường đi qua tỉnh Long An; huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ của TP.HCM; cuối cùng là tỉnh Đồng Nai. Tại địa phận của xã Long Thới, Huyện Nhà Bè, tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành giao cắt tại vị trí Cầu Bình Khánh bắt qua sông Soài Rạp kết nối với trục Đường Số 1 - Khu công nghiệp Hiệp Phước.

Nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành tại đường Nguyễn Văn Tạo để vào Khu công nghiệp - cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP.HCM)
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm khẳng định đây đều là những dự án trọng điểm mà ngành giao thông cũng như lãnh đạo TP đã trăn trở rất nhiều. Các công trình sau khi hoàn thành sẽ giúp cải thiện năng lực thông hành, giảm ùn tắc giao thông khu vực, tăng cường trật tự, đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế tình trạng các phương tiện dừng chờ, rút ngắn thời gian lưu thông, phát huy hiệu quả khai thác tuyến đường, từ đó khơi thông nguồn lực để TP.HCM cùng cả nước vững bước vào kỷ nguyên mới. Vì thế, quan điểm của Sở GTVT là không chờ đợi. Dự án nào thuận lợi, có thể làm sớm sẽ bắt tay vào triển khai ngay. Đơn cử, dự án nâng cấp đường trục Bắc - Nam (đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành) đang có sẵn mặt bằng, chỉ cần có nhà đầu tư là có thể sớm khởi công ngay.

Các lối xuống kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành với đường Nguyễn Văn Tạo đang được thảm nhựa,
đồng thời hoàn thiện khe co giãn để đảm bảo chất lượng và an toàn khi đưa vào sử dụng
đồng thời hoàn thiện khe co giãn để đảm bảo chất lượng và an toàn khi đưa vào sử dụng
(Nguồn: thanhnien.vn)